"Nếu ai cũng nhận ra rằng cuộc sống này thật ngắn ngủi, thì đã sống có ích, sống trọn vẹn từng ngày". Dòng câu chuyện của #yến #sào #khang #an về các nhân vật khi họ nhận thức được khái niệm "Deadline" trong cuộc sống mỗi người. Thức tỉnh họ phải sống lại, suy nghĩ về thực tại và sống có ý nghĩa hơn từng ngày !
Câu chuyện sau đây kể về một vị bác sĩ đã cống hiến hơn nửa đời người với nghề, đã chứng kiến hàng trăm hoàn cảnh, số phận của từng bệnh nhân. Chỉ còn 5 năm nữa, bác sẽ thôi không làm nghề, nhưng 5 năm đó bác sẽ tận lòng với từng bệnh nhận, cứu họ vượt qua nỗi đau thể xác, cứu họ khỏi sự mê lầm trong nhận thức để họ thức tỉnh trước thông điệp "Nếu cuộc đời có Deadline"
“Tôi ước không gặp thêm ai tự tàn phá cơ thể mình”
Người ta thường nói rằng “không có gì là quá muộn”, nhưng điều đó không đúng trong lĩnh vực này: chỉ cần một sự chủ quan nhỏ, mọi thứ đều có thể trở thành quá muộn. Một cơn đau ở đâu đó bị coi thường, một sự mệt mỏi không được thăm khám, một cơn ốm tự điều trị bằng thuốc mua bừa ở quầy hay thậm chí là thuốc lang băm. Khi sức khỏe bị coi thường, mọi thứ đều thành quá muộn, kể cả những dự định trong đời.
Tôi không muốn gặp những người như thế. Khi đó, nhìn vào những dòng trong bệnh án, nhận thức được rằng cuộc đời đã có một “deadline”, họ rất ngoan ngoãn nghe theo lời thầy thuốc. Có bệnh nhân nghe lời là niềm vui của bác sĩ, nhưng không phải trong hoàn cảnh này. Họ hy vọng, họ bấu víu vào mọi hy vọng, rằng mình có thể kéo dài deadline của đời mình. Tôi chỉ ước rằng họ đã làm việc đó sớm hơn, khi còn khỏe.
Tôi đã gặp những cô cậu thanh niên đã phá sức trong các cuộc chơi thâu đêm, tàn hại không chỉ sức khỏe thể chất mà cả sức khỏe tinh thần. Đôi lúc, họ không đi bộ vào phòng khám, mà phải có người khiêng.
Tôi đã gặp những bệnh nhân mắc suy thận mãn tính do chính họ tạo ra: thay vì một cuộc kiểm tra sức khỏe thông thường, họ vô tư chữa bằng đủ thứ phương thức truyền miệng, rồi dẫn đến bệnh nặng hơn. Cả phần đời ngắn ngủi còn lại, phải gắn với máy chạy thận nhân tạo.
Tôi gặp cả những người đầy chí thú và lý tưởng. Họ tin rằng việc “lo cho gia đình” hay “xây dựng sự nghiệp” là thứ lý do vạn năng để đánh đổi sức khỏe. Họ chỉ nhận ra rằng mình đã sai khi ngồi đó, trên ghế bệnh nhân, và nhận ra rằng nếu tiết kiệm sức khỏe hơn, họ đã có thể lo cho gia đình nhiều hơn, được chứng kiến con cái trưởng thành.
Nhưng việc phải gặp những người như thế cũng cho tôi nhiều suy nghĩ tích cực. Khi cuộc đời có deadline, người ta sống ý nghĩa hơn. Sau biến cố sức khỏe, phần lớn con người đều thay đổi. Không chỉ tự quan tâm đến sức khỏe hơn, họ nhìn quanh và cố gắng sàng lọc điều gì có giá trị nhất trong đời để đầu tư thời gian. Những thanh niên bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho cha mẹ. Những bậc cha mẹ dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Những người đàn ông trước đó gồng mình lên trong một cuộc kiếm tiền bão táp, sau cơn bạo bệnh, lại quyết định rằng mình sẽ đưa con đi chơi vào tất cả những ngày cuối tuần.
Tôi nghỉ hưu theo chế độ nhà nước mấy năm rồi, nhưng vẫn còn muốn cống hiến nên tiếp tục hành nghề y. Nhưng sức khỏe của bản thân nhiều khi không cho phép, con cái cũng mong mình được nghỉ ngơi nên đâu đó chỉ cho làm tiếp khoảng 5 năm nữa thôi. Tôi chỉ hy vọng rằng ai cũng có thể nhận thức được điều đó mà không cần đến bệnh tật: cuộc đời này có giới hạn, và người ta cần tiết kiệm cả sức khỏe lẫn thời gian sống cho những điều thật sự quan trọng nhất.
"Bác sỹ Nguyễn Văn Linh
Năm sinh: 1956
Nơi ở: Hà Nội
Nghề nghiệp: Bác sỹ đa khoa"
Nhận xét
Đăng nhận xét